Lùi đăng ký xe điện: “Tạo điều kiện” cho nhập lậu, trốn thuế?

(Dân Trí) Đại diện Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ (quản lý các Hội, Hiệp hội) khẳng định: Hiện nay ở Việt Nam chưa có Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện. Trong danh sách các cơ sở sản xuất lắp ráp mô tô xe máy do Cục Đăng kiểm quản lý cũng không có tên các doanh nghiệp vừa đứng tên kiến nghị Bộ GTVT lùi thời hạn đăng ký xe điện.

Sau kiến nghị xin lùi thời hạn đăng ký xe điện của Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện đến 30/12/2016, Công ty TNHH Ô tô xe máy DETECH – một trong những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ xe điện lớn nhất Việt Nam – vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Đăng kiểm Việt Nam, khẳng định kiến nghị trên là vô căn cứ, không vì quyền lợi người tiêu dùng. Trong văn bản này, Công ty TNHH Ô tô xe máy DETECH nêu lên tình trạng nhức nhối về nhập lậu xe đạp điện, xe máy điện gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và nguy hiểm cho người sử dụng vì không kiểm soát được chất lượng. Với sự chỉ đạo của Chính phủ và các chính sách, biện pháp tháo gỡ tình hình, các doanh nghiệp chân chính và người dân đã được tạo điều kiện thuận lợi để thực thi các quy định, được miễn thuế trước bạ khi đăng ký đến hết ngày 30/6/2016.

xe dien lau

DETECH cho rằng, quy định sau ngày 30/6/2016, xe điện tham gia giao thông nhưng không đăng ký sẽ bị phạt nặng theo Nghị định 171 của Chính phủ sẽ loại bỏ được triệt để tình trạng nhập lậu xe điện, xe tiêu thụ trên thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của xe điện sẽ rõ ràng. Điều này sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước về vấn đề cạnh tranh với hàng nhập lậu.

Về kiến nghị của Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện xin lùi thời hạn đăng ký xe điện đến 30/12/2016, DETECH cho rằng những lí do đưa ra là sai sự thật. Bởi việc lùi hạn đăng ký xe không có lợi cho doanh nghiệp, ngược lại sẽ gây khó khăn lớn vì phải tiếp tục đương đầu cạnh tranh với dòng xe trốn thuế, không được kiểm soát về chất lượng, nhái nhãn mác… trên thị trường.

“Chi phí nhập lậu đắt gấp đôi chi phí nhập khẩu chính ngạch, việc đầu cơ tích trữ gây ảnh hưởng đến thị trường, không đủ phương tiện cho học sinh nhập học… Đó là những lí do biện minh cho việc xin lùi hạn đăng ký, là thiếu hiểu biết, không có cơ sở và hoàn toàn không đứng về quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất trong nước” – văn bản của DETECH nhấn mạnh.

Doanh nghiệp này đưa ra đề nghị khẩn thiết với Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm về việc cho điều tra làm sáng tỏ kiến nghị lùi hạn đăng ký xe điện để không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quy định của Chính Phủ. Đồng thời mong muốn có buổi làm việc trực tiếp với Bộ GTVT để bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Đại diện Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ (quản lý các Hội, Hiệp hội) khẳng định: Hiện nay ở Việt Nam chưa có Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện như nêu trong văn bản kiến nghị Bộ GTVT trước đó. Danh sách các cơ sở sản xuất lắp ráp mô tô xe máy do Cục Đăng kiểm quản lý cũng không có tên các doanh nghiệp vừa đứng tên kiến nghị. Trong khi đó, quan điểm của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ là Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT, Bộ Công an đều khẳng định phải thực hiện đúng quy định và không đồng tình với kiến nghị tiếp tục lùi hạn đăng ký xe điện.

Vấn đề nghi vấn đặt ra là việc tự xưng là “Hiệp hội” để kiến nghị lùi hạn đăng ký xe điện liệu có nhằm mục đích hợp thức hoá hàng nhập lậu và mang động cơ trốn thuế?

Châu Như Quỳnh