Siết quản lý xe điện – không thể cứ ra qui định rồi lại lùi

(Theo Infonet) Xe đạp điện, xe máy điện đã dần trở thành phương tiện đi lại phổ biến cho học sinh cấp 2 và cấp 3 trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, các loại xe này vẫn là phương tiện đi lại tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cần tăng cường quản lý.

Câu chuyện quản lý xe máy điện đã trở thành chuyện đến hẹn lại lên vào tháng 6 hàng năm.

Từ năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 24 ngày 8/11/2013 yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại xe 2 bánh chạy điện, trong đó yêu cầu Bộ Công an thực hiện việc đăng ký xe máy điện. Đến ngày 4/4/2014, Bộ Công an ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe máy điện, trong đó quy định kể từ ngày 1/6/2014, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số, mới được phép lưu thông. Thông tư 15 đã chấp nhận hợp thức hoá cho toàn bộ xe máy điện không có chứng từ nguồn gốc từ trước 1/7/2009 (lần hợp thức hoá thứ nhất).

Vì nhiều lý do, Thông tư 15 đã không thể triển khai đúng hạn từ ngày 1/6/2014. Đến ngày 5/11/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo các Bộ Công an, Tài chính, Giao thông Vận tải miễn thu phí trước bạ đối với xe máy điện đến hết ngày 30/6/2015 để tạo điều kiện cho người dân đi đăng ký (lần hợp thức hoá thứ hai).

Thời hạn 1/7/2015 cũng qua đi mà việc đăng ký xe máy điện cũng không thực hiện được. Đến ngày 11/9/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn số 1630/TTg-KTN chỉ đạo các Bộ Công an, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông về việc lùi thời hạn đăng ký xe máy điện đến hết ngày 30/6/2016 để tạo điều kiện cho người dân đăng ký (lần hợp thức hoá thứ ba).

 Những tưởng một việc khá đương nhiên, xe gắn máy tham gia giao thông phải có đầy đủ giấy tờ và đăng ký biển số kiểm soát, mà đến 3 Phó Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2013 đến 2016 vẫn chưa thực hiện được thì đùng một cái, có văn bản của cái gọi là “Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, xe máy điện” có văn bản gửi Bộ GTVT xin lùi thời hạn đăng ký xe máy điện đến 31/12/2016.

Những doanh nghiệp ‘xưng danh’ là thành viên “Hiệp hội” gồm:

1. Doanh nghiệp tư nhân Thanh Chiến.

2. Công ty TNHH Bridgestone Việt Nam

3. Công ty cổ phần quốc tế Mỹ Đình.

4. Công ty cổ phần Thương mại Thanh Phúc Vượng.

Theo cơ sở dữ liệu trên mạng của Cục đăng kiểm Việt Nam, những doanh nghiệp có tên nêu trên không nằm trong danh sách những đơn vị lắp ráp xe máy điện tại Việt Nam.

Lý do chủ yếu cho 3 lần gia hạn đăng ký là vì số lượng xe không giấy tờ quá nhiều (xe không giấy tờ thực chất là từ để chỉ xe nhập lậu). Mỗi lần cơ quan chức năng gia hạn để tạo điều kiện cho người dân đi đăng ký xe máy điện thì vô hình trung cũng là một lần để các xe điện nhập lậu được hợp thức hóa. Tuy nhiên, sau mỗi lần hợp thức hoá, số lượng xe nhập lậu không những không giảm đi mà dường như ngày càng nhiều lên.

Nếu đề nghị lùi thời hạn đăng ký xe máy điện từ 30/6/2016 đến hết 31/12/2016 được chấp nhận thì việc này sẽ để lại khá nhiều hệ luỵ.

Thứ nhất, kỷ cương hành chính dường như là cái gì đó có thể du di từ năm này qua năm khác trong khi tăng cường kỷ cương trong toàn hệ thống hành chính và toàn xã hội là ưu tiên thứ ba của Chính phủ khoá mới.

Thứ hai, bội chi ngày càng tăng nhưng các nguồn nhập khẩu trốn thuế vẫn được tạo điều kiện cho hợp thức hoá hết năm này đến năm khác.

Kênh VTV1 công bố 7 doanh nghiệp nhập lậu bị niêm phong hàng

Thứ ba, hàng loạt các cơ quan nhà nước (Cục đăng kiểm Việt Nam, Cục cảnh sát giao thông, Cục quản lý thị trường, …) vẫn ngày ngày kiểm soát ngày càng gắt gao với các đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh, siết và đưa các đơn vị này vào hành lang pháp lý nhà nước. Trong khi đó, cũng các cơ quan này chỉ bất lực nhìn hàng lậu lan tràn và chỉ có mỗi một đề xuất đến hạn lại lên là xin gia hạn để tạo điều kiện cho người dân (đồng thời tạo điều kiện cho buôn lậu).

Công văn của Cục Đăng kiểm nêu tên một số cơ sở sản xuất tự ý tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại mục tiêu chính sách và tính khả thi của các biện pháp quản lý được đưa ra.

Nếu không cần quản lý xe máy điện và không cần quan tâm đến chất lượng và an toàn cho một loại phương tiện chỉ dành cho học sinh (chủ nhân tương lai) thì các cơ quan chức năng cũng nên tuyên bố rõ. Đừng đưa ra một mục tiêu không rõ ràng để cứ đến hạn lại xin lùi đăng ký.

Tính khả thi của các văn bản quản lý đã được nói nhiều ở các lĩnh vực khác nhau (ngực lép không được lái xe, luật chưa có hiệu lực đã phải sửa,…). Riêng trong việc quản lý xe máy điện, đến nay đã có 1 Luật giao thông đường bộ, hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn về xe máy điện của Bộ Giao thông Vận tải, 1 Thông tư của Bộ Công an, 1 Nghị định xử phạt của Chính phủ và hàng loạt công văn chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý hành chính cao nhất là Thủ tướng Chính phủ. Nếu không thấy quản lý là khả thi thì đừng để các cơ quan quản lý khác nhau mất thời gian ban hành từng đấy văn bản để rồi đến hạn lại xin lùi áp dụng.

Tiếp theo công ty Detech, đến lượt công ty Việt Thái đã có văn bản gửi Bộ GTVT và các Bộ liên quan đề nghị không lùi thời hạn đăng ký xe điện để giảm lượng hàng nhập lậu và để các công ty lắp ráp trong nước cạnh tranh lành mạnh với hàng nhập khẩu.

Công văn của Công ty DETECH về việc lùi qui định đăng ký lưu thông xe đạp điện

Tuấn Minh

ICTnews