Hiện nay với Điều 24 của Thông tư 15/2014 người dân sử dụng xe điện đã qua nhiều đời chủ đang được tạo điều kiện cho việc tiến hành sang tên xe, theo đó nếu người dân không tìm được chủ xe thì vẫn được giải quyết sang tên như bình thường.
“Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-1-2017, quy định này sẽ hết hiệu lực. Đối với những trường hợp như trên, người dân bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của chiếc xe đó, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu của chủ xe, kèm theo xác nhận của UBND phường/xã sở tại. Nếu không tìm được, công an sẽ không giải quyết” – Một cán bộ Phòng CSGT (PC67) Hà Nội sau khi trao đổi với Pháp Luật Hồ Chí Minh cho biết
Như vậy có nghĩa là nếu không nhanh chóng tiến hành sang tên xe trong 3 ngày còn lại của năm 2016 thì sau đó người dân muốn sang tên xe bắt buộc phải tìm được chủ xe.
Ảnh: Tuyên Phan
Các bộ của Phòng CSGT (PC67) Hà Nội cũng cho biết thêm hiện tại rên địa bàn TP Hà Nội, lượng phương tiện tới trụ sở công an để thực hiện sang tên khá đông nhưng không gặp phải sự quá tải. Nhiều người nắm được thông tin về quy định tại Điều 24 Thông tư 15/2014 sắp hết hiệu lực nên đã tranh thủ tới đăng ký thủ tục sang tên.
Cũng kể từ ngày 1-1-2017, CSGT sẽ áp dụng xử phạt lỗi xe không chính chủ theo Điều 30 Nghị định 46/2016. Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.
Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô, lỗi này phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng với cá nhân, từ 2 triệu đến 4 triệu đồng với tổ chức.
Theo Tuyên Phan – Pháp Luật Hồ Chí Minh