3 biến tấu lạ miệng từ gà luộc thừa ngày Tết

Gà luộc là món ăn không thể thiếu của ngày Tết. Tuy nhiên sau vài bữa cơm cúng, tủ lạnh nhà ai cũng sẽ tồn đọng vài đĩa gà luộc. Mà cái gà luộc mà đem hâm nóng lại ăn sẽ kém ngon rất nhiều. Thế nên bạn có thể thử biến tấu những đĩa gà luộc ấy theo những công thức sau để có món ăn ngon hơn nhé.
 
 
 
1. Nộm gà rau răm
Sau khi đã ngấy với nhiều loại thức ăn cỗ bàn ngày Tết, sự chua chua ngọt ngọt của món nộm gà sẽ trở thành một món ăn hấp dẫn hơn. Cách làm thì rất đơn giản, tận dụng gà luộc có sẵn,bóc lấy phần thịt, xé hoặc thái nhỏ, phần xương có thể tận dụng nấu bát canh của quả, không lãng phí chút nào.
 
Một củ hành tây thái nhỏ, ngâm trong nước pha giấm chừng 30 phút để bớt hăng, sau đó chắt nước để ráo. Rau răm thêm chút lá bạc hà, rửa sạch, thái rối. Lạc rang chín, làm sạch vỏ rồi giã dập, dập dập thôi nhé không cần giã nát. Có một mẹo nhỏ để làm dập lạc nhanh không cần chày cối là bỏ lạc vào túi nilon/túi vải sạch rồi lấy chuôi dao dần dần cho lạc vỡ ra.
 
Sau đó pha nước trộn gà theo công thức: 1 quả chanh 2 thìa cà phê đường 1 muỗm nước mắm 3 thìa nước trắng 4 lát ớt nhỏ tỏi băm nhuyễn và nêm lại chút cho vừa. Bát nước trộn phải nổi vị chua, ngọt, hơi mặn dậy mùi tỏi mới đạt yêu cầu của món ăn.
 
Cuối cùng cho gà vào âu, rưới hai thì nước trộn vừa pha, đảo đều 5 phút cho thịt gà ngấm, rồi cho hành tây, rau răm, rau bạc hà và phần nước trộn còn lại vào trộn cùng, để chừng 15 phút cho gia vị ngấm đều, rắc lạc rang lên là món ăn hoàn tất.
 
 
 
2. Nem gà chiên xù
Nghe tới nem gà hẳn là rất lạ đúng không? Vâng một biến tấu rất mới cho cả gia đình cùng thử.
 
Thịt gà đã luộc chín và lọc bỏ xương đem thái hạt lựu rồi ướp với một chút hạt tiêu và gia vị vừa ăn. Đậu hà lan rửa sạch, để ráo. Cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu. Ngô ngọt bóc bỏ vỏ và râu ngô, rửa sạch rồi dùng cao cắt sát lõi lấy hạt.
 
– Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho hành đã được bóc bỏ vỏ và băm nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho đậu hà lan và ngô vào xào. Nêm chút gia vị rồi xào đến khi ngô và đậu chín tới thì cho cà rốt vào xào chung. Khi cà rốt chín tới thì lại cho tiếp gà vào, đảo đều vài lần rồi đổ bát bột năng vào đảo thêm vài lần nữa sao cho bột năng sệt lại rồi tắt bếp (nên pha 1 thìa cà phê bột năng với khoảng 3 thìa ăn cơm nước rồi cho vào xào cùng để làm chất kết dính giữa các loại rau củ). Cho phần nhân đã xào xong ra bát, để nguội bớt
 
Trải lá nem ra, xúc một thìa nhân cho vào một đầu của lá nem rồi cuộn lại. Làm lần lượt cho đến hết chỗ nhân và lá nem.. Hòa một thìa ăn cơm bột năng với 1 nửa bát ăn cơm nước rồi cho vào nồi đun cho bột chuyển màu trong và sệt lại thì tắt bếp. Cho bột ra bát, gắp từng cái nem nhúng qua bột rồi lại lăn qua bột chiên xù. Làm lần lượt cho đến hết chỗ nem.
 
Làm nóng nhiều dầu ăn, thả từng cái nem vào rán vàng đều các mặt là được, vì nhân nem đã chín nên bạn chỉ cần rán vàng phần vỏ ngoài thôi. Một mẹo nhỏ để rán ngập dầu mà vẫn tiết kiệm dầu ăn đó là thay vì dùng chảo bạn nên dùng chiếc nồi con, nhất là loại nổi có một tay cầm dài là thích hợp nhất, đồ lưng nồi dầu là có thể thoải mái rán đồ ăn ngập dầu mà không lãng phí rồi.
 
 
 
3. Gà nấu đông
Thịt gà luộc sẵn đem chặt miếng nhỏ, phần xương như cổ, đầu cánh, chân đem ninh lấy nước dùng. Nấm hương, mộc nhĩ đem ngâm nước cho nở ra, thái đôi cái nấm nếu là loại nấm to còn mộc nhĩ thì thái rối hoặc thái chỉ tùy sở thích.
 
Cho gà chặt nhỏ vào nồi xào lên cùng chút nước mắm, sau đó cho nấm hương, mộc nhĩ vào xào cùng, nêm thêm hạt tiêu và gia vị vừa ăn, xào lửa vừa cho đến khi thấy hơi keo lại thì cho phần nước dùng ninh từ xương gà vào, lượng nước vừa đủ để gà chín nhừ, nhớ cho phần chân gà hay nếu có thì cho thêm miếng bì lợn để gà dễ đông. Ninh nhỏ lửa đến khi gà mềm, múc ra từng bát rồi để nguội. Thời tiết ngày Tết se se lạnh, không cần cho tủ lạnh thì gà cũng đông được rồi.