Chìm phà Sewol: Đã 3 năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó

Ngày 22/3 vừa qua công tác trục vớt phà Sewol được bắt đầu. Thảm kịch Sewol được dọi là thảm kịch hàng hải nghiêm trọng nhất khi chiếc phà nặng gần 7 tấn chìm xuống đại dương mang theo sinh mạng của 304 con người,  các nạn nhân phần lớn đều đang là lứa tuổi học sinh.

Cơn ác mộng trên chuyến phà tử thần

Ngày 16/4/2014, chiếc phà Sewol chở 476 người, trong đó có 27 thành viên thủy thủ đoàn trên hành trình từ thành phố Incheon đến thành phố Jeju. Trên con phà lúc đó chủ yếu là các em học sinh (325 em) đến từ trường trung học phổ thông Danwon đang đi dã ngoại.

Vào khoảng 8:58 phút sáng, khi chỉ còn cách đảo Byungpoong khoảng vài km, con phà phát đi tín hiệu khẩn cấp và bắt đầu chìm.

Trong khung cảnh hỗn loạn, rất nhiều người đã nhảy khỏi phà, tìm cách bơi tới các con tàu đánh cá, tàu thương mại khác. Do tình hình thời tiết phức tạp cũng như vùng biển xa nên công tác cứu hộ đã không diễn ra được như mong muốn, dẫn đến sự ra đi của hơn 300 người.

Nguyên nhân vụ chìm tàu

Theo các nhà điều tra, chiếc phà Sewol chỉ còn cách bờ biển tây nam Hàn Quốc khoảng 20 km thì bắt đầu bị nghiêng nghiêm trọng khi hướng về thành phố Jeju. Sau đó, phà Sewol bắt đầu chìm dần và đến cuối ngày, gần như cả chiếc phà bị lật úp xuống mặt biển.

Một thành viên thủy thủ đoàn của một con tàu chính phủ tham gia cứu hộ cho biết vùng biển nơi thảm kịch chìm tàu diễn ra không có đá ngầm và nguyên nhân phà lật là vì nó gặp trục trặc kỹ thuật.

Nhiều người cho rằng phà Sewol lật là vì cú rẽ gấp của nó khiến hàng hóa đổ dồn về một bên làm cho phà mất thăng bằng. Vì nguyên nhân đấy, nước bắt đầu tràn vào bên trong khoang và toàn bộ chiếc phà bị lật nghiêng xuống đáy biển.

Ngay sau vụ chìm phà, thuyền trưởng Lee Joon-seok cùng hai trợ lý đã bị bắt khẩn cấp vì được cho là có liên quan đến việc phà Sewol bị chìm cũng như lơ là các quy định an toàn hàng hải.

Theo AP, ông Lee Joon-seok khai với cảnh sát rằng ông trì hoãn việc sơ tán hành khách để đảm bảo an toàn. Thuyền trưởng cũng thừa nhận mình vắng mặt trong buồng lái khi vụ tai nạn xảy ra. Khi đó, ông về phòng ngủ vì vài lý do cá nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến con số thương vong nhiều đến vậy cũng do các thuyền viên, mà đặc biệt là thuyền trưởng vì quá tắc trách nên không phát đi tín hiệu khẩn cấp khi tàu đã có dấu hiệu nghiêng từ khoảng 7:40 sáng.

Công tác cứu hộ phà Sewol

Ngay sau vụ việc diễn ra, cả nước Hàn Quốc gần như trong tình trạng báo động với công tác khẩn cấp. Từ nhiều thành phố, người thân của các hành khách đi trên tàu đã đổ về Incheon để nghe ngóng tình hình. Ban đầu, 108 tàu hải quân, 61 tàu dân sự và 535 nhân viên cứu hộ đã được vận động để tham gia chiến dịch tìm kiếm cứu nạn.

Vào thời điểm đó, giới chức trách Hàn Quốc đưa ra quyết định không trục vớt con phà cho đến khi kéo được hết tất cả các thi thể ra khỏi thân tàu vì lo sợ, những sơ suất trong quá trình trục vớt phà cũng có thể dẫn đến việc làm thất lạc thi thể bên trong dưới tình trạng sóng lớn như hiện tại.

Nhiều thợ lặn cũng đã được huy động để tham gia công tác cứu hộ. Tuy nhiên, do điều kiện sóng lớn và biển động dữ dội nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có một thợ lặn đã thiệt mạng trong quá trình tìm kiếm. Phải đến sáng ngày 20/4, hơn 10 thi thể mới được tìm thấy bên trong chiếc phà này. Đây là những thi thể đầu tiên được tìm thấy bên trong chiếc phà kể từ khi nó bị chìm vào hôm 16.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Hàn Quốc đã huy động thêm 29 máy bay để chạy đua với thời gian tìm cách tiếp cận bên trong con phà chìm. Ba cần cẩu cứu hộ cũng đã được đưa đến hiện trường vào ngày 18/4 để di chuyển thân phà tới địa điểm có sóng yếu hơn. Tuy nhiên, công tác cứu hộ diễn ra suốt nhiều ngày nhưng vẫn chưa vớt được hết thi thể nạn nhân. Tính đến nay, vẫn còn 9 thi thể nạn nhân xấu số không biết đã trôi dạt về phương nào

Nỗi đau của những người ở lại

 

Không có từ ngữ gì có thể diễn tả nỗi đau của đất nước Hàn Quốc thời điểm diễn ra vụ chìm phà khủng khiếp này. Cả đất nước Hàn Quốc chìm trong nước mắt và những ngọn nến được thắp lên để cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số và công tác tìm kiếm cứu hộ.

Hàng trăm người nhà nạn nhân đã đến đảo Jindo để chờ đợi tin tức từ người thân. Khung cảnh lúc bấy giờ được miêu tả như một trại tị nạn; những khuôn mặt vật vờ vì mệt mỏi, kiệt sức, có người còn phải truyền nước vì quá mệt mỏi. Họ đã khóc hết nước mắt nhưng tin tức về con cái, về người thân vẫn bặt vô âm tín.

Tuy nhiên, những hy vọng càng lúc càng tắt dần khi vài ngày sau, đội tìm kiếm cứu hộ chỉ đưa về được thi thể lạnh ngắt của các hành khách. Gần như không có một tia hy vọng nào nữa của sự sống. Những người thân chỉ biết vật vờ trên đảo Jindo và khóc mòn mỏi, hướng về phía biển.

Tại trường Danwon, ngôi trường với hơn 300 em học sinh có mặt trên chuyến tàu tử thần đó, không khí dường như chết lặng. Những tấm di ảnh được xếp ngay ngắn trong trường khi cả nước để quốc tang. Hàng dài các bậc phụ huynh và học sinh nghẹn ngào nước mắt xếp hàng dài vào viếng. Dường như nỗi đau này là quá lớn khi một năm, rồi 2 năm trôi qua, người ta vẫn thấy ngôi trường này phủ một bóng đêm quạnh quẽ. Vậy là hàng trăm ước mơ còn dang dở của các em học sinh sẽ mãi chìm xuống biển sâu.

Ba năm sau thảm kịch ấy, ngày hôm qua (22/3), Hàn Quốc đã bắt đầu chiến dịch trục vớt phà Sewol để tìm kiếm 9 thi thể nạn nhân còn mất tích, đồng thời, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Cùng hy vọng lần trục vớt phà Sewol tới đây sẽ đem được thi hài của 9 nạn nhân mất tích cuối cùng về với đất mẹ, để có thể tạm khép lại một chương đầy nước mắt trong lịch sử hàng hải Hàn Quốc.

Theo kênh 14