Trong cái rét tê tê da thịt, chuyến xe của Quỹ Trò nghèo vùng cao đưa Đoàn chúng tôi từ Hà Nội lên Điện Biên. Năm 2015, Xe điện Anbico đã góp tiền xây dựng điểm trường Trường Pú Xi 1 và đó là vì dù chưa một lần lên Tuần Giáo, Điện Biên nhưng cái tên Pú Xi nghe rất quen với người Anbico như tôi.
Cuộc trò chuyện trên xe ô tô giúp tôi có những hình dung đầu tiên về điểm tôi sắp đến. Pú Xi vốn là tên một đỉnh núi cao ngất ngư, cao đến mức được ví như cánh tay của trái đất, cọ vào, gãi vào bụng trời. Theo quan niệm của người địa phương thì đó chính là điểm tựa, là tấm lá chắn, bảo vệ cho người dân sống xung quanh dãy núi được yên lành và may mắn. Cả Tuần Giáo, không đâu khí hậu khắc nghiệt như Pú Xi. Mùa mưa thì gần như cô lập. Nếu có lý do phải đến thì chỉ còn cách đi vòng cả chục cây số, từ Mường Mùn sang Thủy điện Nậm Mức, rồi lênh đênh trên xuồng ngót một giờ mới đến được chân núi Pú Xi, rồi leo, trèo hay đánh đu mà lên núi. Còn về mùa đông vì mây mù che phủ nên cả ngày chả nhìn thấy mặt trời, chả nhìn thấy mặt nhau.
Ảnh 1. Ngôi trường Hủa Mức III giữa rừng núi Pú Xi – nơi bà con Pú Xi gửi gắm tri thức và hy vọng vào tương lai con em họ
Xã Pú Xi có 2 dân tộc chính đó là Khơ Mú và Mông. Người Thái cũng có nhưng tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể. Người Mông ở đây đều có gốc gác ở cao nguyên Sín Chải, huyện Tủa Chùa. Người Mông có tập quán “di canh”, tức là phá rừng làm nương vài ba vụ, đất cằn, cây còi cọc là bỏ đi tìm phá những cánh rừng khác. Ngày xưa, có khi cả năm họ mới xuống núi một lần mua dầu, muối và vài thứ nông cụ cần thiết. Lương thực tự tay làm. Quần áo tự may mặc. Thực phẩm thì săn bắt trong rừng. Muông thú theo thời gian đã không còn để mà quấy phá mùa màng nữa. Chính thế, nương rẫy ngày càng được mở rộng. Những cánh rừng có tuổi thọ xưa như trái đất dần biến mất, cho đến khi Nhà nước chính thức có lệnh cấm phá rừng. Để hôm nay, như đã thấy, rừng đang ken vai dày đặc quanh các ngả bản. Nương vẫn còn nhưng sẽ phải “định canh”, dù có bạc màu đến mấy, cằn cỗi đến mấy cũng phải tự tìm cách làm cho phì nhiêu lại như vừa mới phát. Vì thế mà rừng có cơ hội phủ xanh Pú Xi. Cùng với rừng tự nhiên, những cánh “rừng trồng” như táo mèo, cánh kiến, thảo quả, sa nhân… cũng đua nhau phủ màu xanh lên các triền núi. Pú Xi mặc dù đã thành xã, nhưng còn vô vàn gian khó. Giao thông về mùa mưa có cũng như không.
Ảnh 2. Xe điện Anbico khánh thành điểm trường Hủa Mức III. Tiền tài trợ xây trường được quyên góp từ cán bộ nhân viên và con em của cán bộ nhân viên Xe điện Anbico
Bản Hua Mức III tọa lạc ở điểm cao trên 800 mét, sáng nay râm ran tiếng giảng bài. Chứng kiến nỗi khó khăn vất vả của nhân dân trong bản, của học sinh mỗi khi đến lớp, các thầy cô giáo ngậm ngùi chia sẻ và càng thấy yêu nghề, yêu dân và yêu trò hơn. Điểm trường Hủa Mức III có 12 học sinh mầm non, 24 học sinh tiểu học.
Ảnh 3. Xe điện Anbico trao tặng áo ấm mùa đông cho toàn bộ học sinh mầm non và học sinh tiểu học tại Điểm trường Hủa Mức III, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, Điện Biên
Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng trong gian bếp thấp của nhà trưởng bản, chúng tôi ngồi rất lâu để nghe những chuyện không phải xưa cũ mà vẫn rất… lạ lùng và tất nhiên là rất hấp dẫn. Ngoài kia, trăng thượng tuần phủ màu vàng lên khung cảnh huyền ảo của núi rừng Pú Xi. Với những tri thức con em xã Pú Xi có được, hy vọng bà con nơi đây sớm tìm được cách để làm kinh tế lâm nghiệp một cách bền vững, để đời sống nhân dân xã Pú Xi dần vơi bớt khó khăn…