Cùng với sự phát triển của các đô thị, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng ngày càng ở mức báo động. Đáng nói, dù đã được nhiều cơ quan, tổ chức chứng minh là một dạng ô nhiễm nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng thực tế việc kiểm soát tiếng ồn vẫn bị xem nhẹ, ít được quan tâm.
Nhiều hệ lụy
Ở đô thị lớn, đang trong quá trình phát triển như Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người dân bị tiếng ồn bủa vây mọi phía. Đó có thể là tiếng còi xe, tiếng động công trình đang thi công, những tiếng động lớn quá mức được phát ra từ loa của hàng karaoke dạo, các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy khi vào mùa khuyến mãi…
Nghiêm trọng hơn, ở những không gian công cộng như xe khách, rạp chiếu phim hay sân bay… nhiều người còn có hành vi bật loa điện thoại, máy tính bảng. Một người nghe nhạc nhưng bắt những người xung quanh bị tra tấn về thính lực vẫn khá phổ biến. Họ hồn nhiên và không nghĩ bản thân là chủ thể gây ô nhiễm. Ô nhiễm tiếng ồn có thể trực tiếp gây ra những hệ lụy hết sức khôn lường. Không ít vụ án nghiêm trọng xảy ra mà căn nguyên xuất phát từ dạng ô nhiễm này.
Cụ thể, vào trưa 28/2 tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Minh Phước (SN 1969, trú tại thôn Bình Tiến A, xã Thái Yên) cùng vài người bạn sau khi nhậu xong đã kéo về nhà ông Thành trú cùng thôn để hát karaoke. Lúc này, ông Nguyễn Viết Lộc (SN 1959), trú ở cạnh nhà ông Thành vừa về, đang muốn nghỉ ngơi. Thấy nhà ông Thành hát quá lớn, ông Lộc đi qua bảo mọi người nên hát nhỏ lại để mọi người nghỉ trưa. Vụ việc tưởng chừng chỉ dừng lại ở mức đôi bên xảy ra cãi vã, lời qua tiếng lại thì khi quay về nhà, ông Lộc lại xách theo 3 con dao quay trở lại nhà ông Thành. Vào nhà ông Thành, thấy ông Phước đang ở gần cổng, Lộc rút một con dao ra đâm vào người ông Phước, khiến nạn nhân tử vong.
Hay mới đây, ngày 22/3, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử bị cáo Lưu Văn Tiên (SN 1990, trú xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) về tội giết người. Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 19h30 ngày 3/8/2017, Tiên cùng anh ruột là Lưu Văn Cảnh và dượng là ông Trần Thuận (trú xã Tam Trà, huyện Núi Thành) tổ chức ăn uống tại nhà Tiên. Khoảng 20h cùng ngày, khi chị Tạ Thị Th. (vợ Tiên) cùng 2 con đang xem tivi ở phòng khách thì Tiên tắt tivi, mở karaoke hát và nói vợ bồng con vào buồng ngủ. Đến khoảng 21h cùng ngày thì tàn cuộc, lúc này, chị Th. đi xuống bếp để dọn dẹp thì gặp Tiên và nhắc chồng mở nhỏ âm lượng khi hát karaoke để con ngủ. Nghe vợ nói vậy, Tiên bực tức, lấy chai nhựa rút xăng trong xe máy rồi mang xuống bếp tạt lên người vợ châm lửa đốt. Hậu quả, chị Th. bị bỏng với diện tích là 65%, tỷ lệ thương tích tại thời điểm vừa xảy ra vụ việc là 60%…
Mối nguy hại bị xem nhẹ
Theo tìm hiểu, hiện nhiều người dân Thủ đô phải chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn nặng nề nhất là ở các trục đường giao thông. Cụ thể, kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày thường là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Đáng chú ý, trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
Minh chứng dễ thấy của ô nhiễm tiếng ồn xuất phát từ giao thông có thể thấy ở các trục đường chính dẫn vào trung tâm thành phố như: Phạm Văn Đồng, Vành đai 3; QL 6; QL 21B… Ví dụ, tại tuyến đường Phạm Văn Đồng. Đây là tuyến đường vành đai, lưu lượng xe cộ qua lại đông, trọng tải lớn… khiến cho những tiếng ồn từ các phương tiện giao thông liên tục kéo dài từ sáng đến đêm. Nhà ở gần trục giao thông, nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực đã phải lắp cửa cách âm nhưng vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng từ tiếng còi hơi xe tải, xe máy.
Hệ lụy nhãn tiền là, ô nhiễm tiếng ồn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của họ. “Khi mới từ quê lên, tôi thường bị mất ngủ triền miên vì tiếng ồn. Con tôi khó tập trung khi học bài vì âm thanh từ ngoài đường dội vào” – chị Nguyễn Thị Cánh (phường Cổ Nhuế) chia sẻ.
Khách quan nhìn nhận, nhiều nước trên thế giới đề ra quy định khắt khe trong việc chống ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, ở nước ta việc quy định và xử lý vẫn chưa được chú trọng. Theo một số chuyên gia giao thông đô thị, việc xác định được đâu là tiếng ồn, và mức độ tiếng ồn to hay nhỏ thì không khó khăn. Nhưng việc xác định mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu công cộng và dân cư theo quy định hiện hành thì không phải là điều dễ dàng.
Theo tìm hiểu, để giảm thiểu tiếng ồn hoàn toàn không phải là việc quá khó. Chẳng hạn, tại các khu đô thị như Hà Nội, muốn giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện giao thông thì có thể áp dụng phương cách hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn; trồng cây xanh 2 bên đường giao thông…. Hay với các khu vực cần yên tĩnh như: bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư việc xây tường cao cũng góp hiệu quả chắn ổn.