Xe máy sử dụng động cơ xăng chiếm phần lớn nguồn phát thải của phương tiện giao thông ra môi trường, gây ô nhiễm không khí.
Những ngày qua, người dân Hà Nội và TP HCM lo ngại khi chỉ số ô nhiễm không khí có lúc vượt ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. Trong 4 nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm không khí được Bộ TN&MT xác định, có nguyên nhân từ nguồn phát thải của phương tiện giao thông, trong đó phần lớn là xe máy sử dụng động cơ xăng.
Ô nhiễm không khí có thể gây ung thư phổi
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm tại Hà Nội những ngày qua vượt quy chuẩn cho phép, chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tại các nút giao thông và công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần tiêu chuẩn.
Phân tích về tác hại của loại khí thải từ phương tiện giao thông sử dụng động cơ xăng, TS. Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho biết: “Các chất gây ô nhiễm không khí là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh khác. Đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể làm giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hoá phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… Cả hai loại khí này đều được phát thải chủ yếu từ các phương tiện giao thông”.
Kết quả nghiên cứu trong ba năm về ảnh hưởng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. HCM tới các bệnh đường hô hấp đã chỉ ra: nếu các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí không được kiểm soát, các phương tiện giao thông, nhất là xe máy sử dụng động cơ xăng tiếp tục tăng; các nhà máy xí nghiệp không được đưa ra khỏi nội đô, tình trạng đốt rác, sử dụng than tổ ong… không giảm thì năm 2020, tại Hà Nội bệnh viêm mũi chiếm 41,36%, bệnh viêm họng chiếm 38,28%, bệnh viêm phế quản 9,57%. Tại TP. HCM, bệnh viêm mũi chiếm 30,44%, bệnh viêm họng chiếm 23,67%, bệnh viêm phế quản 8,09%.
Nếu tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí chỉ riêng với ba bệnh đường hô hấp nêu trên thì chi phí trực tiếp cho người bị bệnh, chi phí gián tiếp cho người nhà phải nghỉ làm ở nhà trông trẻ và người lớn bị ốm thì mỗi một ngày mỗi thành phố phải chịu tổn thất trên một tỉ đồng.
Hạn chế xe máy chạy xăng có là giải pháp?
Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị lớn ngày càng bị ô nhiễm một phần là do người dân chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Trong khi vì mưu sinh, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân sử dụng để chở hàng hóa, nhiều người chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Theo TS. Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), bụi do khí thải của phương tiện giao thông là một phần cấu thành nên “màn sương bụi mịn” ở Hà Nội mấy ngày nay, chiếm khoảng 30%. Ngoài ra cũng phải thừa nhận, ngay cả việc đi lại tấp nập của mọi phương tiện giao thông cũng góp phần cuốn bụi bay ra ở những tuyến đường ken đặc xe cộ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đông Phong, Q.Giám đốc Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho hay, không thể đổ lỗi hết việc ô nhiễm không khí cho phương tiện giao thông nhưng cũng không thể bỏ qua loại khí thải này. Vì thế, việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện chính là nhằm mục đích cải thiện môi trường, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm.
“Xe máy đang chiếm số lượng rất lớn bởi hàng năm gia tăng thị trường khoảng 3 triệu xe. Xe máy mới được sản xuất quy định phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và ô tô là Euro 4, tiến tới Euro 5 vào năm 2022. Trong khu vực ASEAN hiện nay, tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam chỉ kém Singapore. Tuy nhiên, nếu như ô tô được kiểm soát khí thải trong quá trình lưu hành thì xe máy lại khác và chỉ kiểm định lần đầu. Vì thế xe máy cũ vẫn thoải mái lưu hành. Đây là điều tương đối bất cập”.
Theo ông Phong, trước đây từng có Quyết định của Chính phủ về việc kiểm tra cả khí thải xe máy đã lưu hành nhưng luật chưa đủ nên chưa triển khai được. Để tránh ô nhiễm do phát thải từ phương tiện hiện nay, việc chuyển sang sử dụng xe điện là một giải pháp không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang khuyến khích. Hiện nay, loại phương tiện này còn nhiều khó khăn cả về công nghệ, hạ tầng lẫn cơ chế phát triển. Nếu giải quyết được những yếu tố kể trên thì xe điện chắc chắn sẽ phát triển mạnh và thay thế xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống. Sự tiên phong của VinFast, Honda và một số hãng xe khác trong việc sản xuất xe máy, ô tô điện nên được khuyến khích vì đây chính là xu thế của các loại phương tiện trong tương lai.