Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, cần khuyến khích, hỗ trợ người dân mua loại phương tiện chạy điện vì một môi trường sống tốt hơn, dễ thở hơn.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ở Việt Nam những ngày qua đang ở mức nghiêm trọng, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), nguyên Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho rằng, nguyên nhân chính là do công tác kiểm soát chất lượng khí thải của phương tiện ở nước ta không tốt, nhất là với xe máy cũ. Để khắc phục, nên khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường như xe điện.
– Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM thời gian gần đây?
Ở các thành phố nói chung, ô nhiễm bụi PM2.5 và PM10 là do khí đốt nhiên liệu của phương tiện chạy xăng, dầu sinh ra. Nên nguyên nhân cơ bản nhất là do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn so với khả năng hấp thu ô nhiễm của môi trường không khí.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết như trời hanh khô thì bụi cũng phát triển nhiều hơn. Nếu còn xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt thì các chất ô nhiễm, khói bụi sẽ không bay xa được mà cứ luẩn quẩn trên mặt đất làm cho mức độ ô nhiễm của thành phố tăng lên.
– Nhiều ý kiến cho rằng việc khó kiểm soát chất lượng khí thải với phương tiện cá nhân, cụ thể là xe máy ở Việt Nam hiện nay sẽ khiến bầu không khí ngày càng ngột ngạt, chúng ta ngày càng khó thở hơn. Giáo sư đánh giá thế nào về việc này?
Hiện nay, kiểm soát khí thải của xe cộ nói chung ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Nhà nước có quy định xe mới sản xuất hoặc nhập về phải đạt tiêu chuẩn EURO3 nhưng thực tế có kiểm tra được hết đâu. Tiêu chuẩn của mình thấp như thế mà còn không kiểm tra hết. Do đó, tổng lượng thải của xe cộ là rất ghê gớm. Ở Nhật, nhờ áp dụng tiêu chuẩn mới và không cho xe cũ lưu thông mà tổng lượng khí thải của xe cộ giảm đến 60%.
Ôtô có chế độ đăng kiểm định kỳ thì còn có khả năng kiểm soát, chứ xe máy thì chịu. Xe cũ thì động cơ hoạt động không tốt nên sẽ thải ra nhiều chất ô nhiễm hơn. Xe càng cũ mà không bảo dưỡng tốt thì lượng thải càng nhiều. Mà người dân Việt Nam vẫn chưa có thói quen trong việc bảo dưỡng xe thường xuyên.
– Vậy giải pháp có thể là gì, thưa Giáo sư?
Hướng giảm bớt, hạn chế phương tiện cá nhân là hết sức đúng đắn mà cả thế giới đều theo. Nhưng để cấm thì phải có phương tiện thay thế bởi đi lại là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu sống của người dân. Trong khi chưa phát triển được giao thông công cộng ở mức tối thiểu là 30-40% thì người dân vẫn sử dụng phương tiện cá nhân là đương nhiên, không thể cấm người ta được.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, theo tôi trước mắt nên khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện chạy xăng, dầu sang phương tiện thân thiện môi trường như xe chạy khí hóa lỏng CNG hay xe điện. Đây cũng là cách mà các nước đang dùng, kể cả các nước phát triển cao.
– Các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc cấm xe máy chạy xăng nhưng không cấm xe chạy điện. Đặc biệt, họ còn có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện chạy điện. Về mặt chính sách, theo ông, Việt Nam chúng ta có thể học hỏi được gì từ cách làm này?
Hiện nay, trong nước đã có một số nhà máy sản xuất phương tiện chạy điện như VinFast. Nhà nước nên có những cơ chế khuyến khích họ phát triển, có như vậy nhà sản xuất mới có thể hạ được giá thành để thu hút sự quan tâm hơn nữa của người dân.
Vì một môi trường sống tốt hơn, dễ thở hơn, theo tôi rất cần khuyến khích, hỗ trợ người dân mua loại phương tiện này.
– Trong xu thế hiện nay, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của các loại phương tiện thân thiện môi trường như xe điện, bao gồm cả ô tô, xe buýt điện ở Việt Nam?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân và cả chính sách. Chúng ta đã vận động được 20 năm nhưng đến nay tỷ lệ xe điện còn rất khiêm tốn. Nên nếu không tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và không có chính sách khuyến khích phù hợp thì tôi nghĩ rằng đến 2050, thì tỷ lệ xe điện tại Việt Nam chỉ có thể tăng đến 20%. Trong khi ở trên thế giới, ước tính đến năm 2050 tỷ lệ xe điện có thể tăng lên đến 80% tổng lượng phương tiện.