Trước khi đi ngủ, nên ngắt nguồn điện sạc xe máy, xe đạp điện để bảo đảm an toàn.
Nguyên nhân gây cháy nổ khi sạc điện
Các nguyên nhân dẫn đến cháy nổ khi sử dụng xe máy, xe đạp điện bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là trong quá trình nạp điện vào bình, các thiết bị có hiện tượng nóng lên. Nếu thiết bị không tốt sẽ dễ dẫn đến chập và phát sinh cháy. Bộ sạc bị can thiệp sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất.
Người sử dụng tự ý thiết kế, chế, độ lại các thiết kế kỹ thuật ban đầu. Bình điện kém chất lượng, được tái chế nhiều lần cũng là một trong các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ ở xe điện.
Nguyên nhân khách quan là một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy; Điển hình như ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt. Các thiết bị dây dẫn đã quá cũ chưa được thay mới, hoặc người dùng sạc điện quá thời gian nạp điện đầy của thiết bị…
Lưu ý khi sạc xe máy, xe đạp điện
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, phòng ngừa xảy ra cháy, nổ, tôi nghĩ chúng ta nên chú ý những nội dung sau:
Thứ nhất, do nguy cơ cháy nổ khi sạc xe máy điện, xe đạp điện thường xảy ra vào ban đêm, vậy nên cố gắng sạc các thiết bị điện ở thời điểm kết thúc làm việc (khoảng 17 giờ) và kết thúc sạc trước khi đi ngủ. Trong quá trình sạc, xung quanh khu vực đó cần loại bỏ các chất dễ cháy nổ tránh gây cháy lan.
Thứ hai, chọn không gian sạc xe điện phù hợp, an toàn. Thường thì việc sạc xe máy điện, xe đạp điện qua đêm nếu không may gặp bất trắc, cháy nổ sẽ rất khó phát hiện kịp thời. Do đó, cần lựa chọn không gian an toàn, tránh những tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh gây nguy hiểm.
Thứ ba, nên sạc pin, ắc-quy khi gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc. Không sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền.
Thứ tư, bảo quản pin, ắc-quy đúng cách bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin, ắc-quy tại các khu vực nóng, ẩm.
Thứ năm, sạc phải có chế độ tự ngắt. Việc này sẽ đảm bảo pin không bị nóng hay phồng rộp do quá tải, sản sinh nhiều nhiệt lượng.
Thứ sáu, phải sử dụng sạc chính hãng. Tuyệt đối không nên mua những các loại sạc không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi sử dụng.
Thứ bảy, không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe.
Thứ tám, bảo trì, bảo dưỡng pin – ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng ba tháng một lần nên đưa xe đi kiểm tra pin – ắc-quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.
Thứ chín, sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin – ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.
Nguồn vnexpress.net